Bây giờ bé đã có các cử động hoàn toàn tự chủ và có thể bắt đầu dùng tay chân để điều khiển cơ thể và có thể bằng động tác lật người từ trước ra sau. Bé nhận thức rõ hơn về các tình huống mới, có thể phát hiện sự thay đổi trong bầu không khí và tâm trạng người đối diện và biểu hiện thật sự các cảm giác của mình. Với trình độ phối hợp các động tác và sự hiểu biết cao hơn, bé bắt đầu đáp ứng tích cực hơn với các đồ chơi và trò chơi mới.
Chăm sóc con từ 4 đến 5 tháng tuổi |
Các cử động của bé giờ đây hoàn toàn có chủ ý vì bé có khả năng kiểm soát cơ bắp tốt hơn và hiểu những gì cơ thể bé có thể làm - ví dụ như bạn sẽ nhận thấy rằng các động tác với và chộp đồ chơi hoặc tự thay đổi tư thế trên sàn nhà trong khi bé chơi sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Giữ thẳng
Giờ đây bé có thể giữ đầu thẳng khi được bế đứng và giữ đầu không bị bật ngửa về phía sau khi được kéo dậy tư thế ngồi - một bước phát triển lớn. Mặc dù bé chưa thể tự ngồi vững được một mình nhưng bé sẽ cảm thấy vui nếu được đỡ cho ngồi để có thể nhìn thấy những điều xảy ra xung quanh và tham gia vào mọi hoạt động. Bạn sẽ nhận thấy rằng bé tỏ vẻ vui sướng đá vào thành chậu tắm khi bé ngồi trong nước hoặc đá vào bất cứ mặt phẳng nào khi chúng chạm vào các ngón chân bé.
Bé sẽ thích thú với các hoạt động có sử dụng cẳng chân và bàn chân - và điều đó sẽ làm mạnh thêm các cơ chân để chuẩn bị cho động tác bò.
Nếu bạn kéo tay bé, bé sẽ cố gắng nhổm người đứng lên mặc dù không thể giữ tư thế này được lâu. Đừng buông bé ra đột ngột bởi vì các cơ của bé chưa đủ mạnh hoặc bé chưa đủ kỹ năng phối hợp động tác để có thể đứng vững.
Học tập các kỹ năng
Bây giờ bé đang phát triển các kiểu giao tiếp không ngôn ngữ, dùng cơ thể để biểu lộ ý muốn: bé sẽ đẩy bạn đi nếu bé muốn làm một điều gì khác; với lấy đồ vật mà bé muốn chơi hoặc quay đầu đi chỗ khác để cho bạn biết rằng bé không thích điều gì đó.
Trò chuyện với bạn
Khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của bé cũng trở nên phát triển hơn. Bé có thể chủ động thay đổi giọng điệu hoặc thay đổi âm thanh để biểu hiện sự không hài lòng, sự phản đối cũng như sự vui sướng và thích thú.
Bé cũng có thể ríu rít nhiều hơn để cho bạn biết những điều bé muốn bằng cách phát ra những âm thanh bập bẹ đặc biệt khi muốn nói những điều như "bế con lên" hoặc "con muốn chơi cái đó".
Trò chuyện với bé
Mặc dù bé chưa hiểu hết ý nghĩa những lời nói bạn nói nhưng bé có thể hiểu giọng điệu của bạn. Bé rất nhạy cảm với sự thay đổi giọng điệu. Một giọng nói lớn tiếng sẽ làm bé ngưng hoạt động hoặc có thể làm bé khóc. Nếu quá lạm dụng điều này nó sẽ không khuyến khích óc tò mò tự nhiện và khả năng học hỏi sau này của bé. Để giúp bé hiểu được ý nghĩa điều bạn nói hãy thực hiện nhiều cách tiếp xúc mắt với bé, bởi vì thông qua các biểu lộ nét mặt, bé có thể đánh giá được tình huống và hiểu được những gì bạn đang nói, bạn đang đặt nền tảng quan trọng để giúp bé hình thành lời nói thông qua sự bắt chước.
Kỹ năng phối hợp
Giờ đây kỹ năng nhìn có thể giúp bé ước lượng được khoảng cách từ mình đến đồ chơi và tự xoay sở để với lấy nó bằng một hoặc hai tay.
Bé có thể nắm chắc một vật trong tay bằng cách dùng các ngón tay để giữ chặt lấy vật đó. Hiện tại nếu bé đang cầm một cái lục lạc, bé biết có thể làm gì với nó (trí nhớ của bé đã được cải thiện).
Bé vẫn bị cơ thể mình thu hút, bé thích nắm giữ bàn chân và mút các ngón chân mỗi khi buồn bã.
Kỹ năng tập trung
giờ đây khả năng tập trung của bé đã khá hơn và bé có thể thích thú với một số đồ chơi và trò chơi trong một khoảng thời gian lâu hơn.
Bé không những cầm đồ chơi mà còn săm soi xem xét kỹ và thậm chí khám phá nó bằng cách đưa vào miệng. Đây là nơi nhạy cảm nhất của bé vì vậy đó là nơi tự nhiên để bé đặt mọi thứ vào khi muốn tìm hiểu kỹ hơn. Phải đảm bảo không để những đồ vật sắc, nhỏ trong tầm với của bé vì nó sẽ gây nguy hiểm cho bé khi bé đút vào miệng.
Hoạt động để phát triển kỹ năng
Bé hăm hở tham gia giao tiếp với bạn hơn là đơn là đơn thuần chỉ là quan sát bạn đang làm gì, bé sẽ cố gắng thu hút sự chú ý của bạn để báo cho bạn biết khi bé muốn chơi. Để đồ chơi trong tầm với của bé và đáp ứng khi bé cho bạn biết bé muốn chơi đồ chơi nào bằng cách với tới đồ chơi đó. Nếu bé biết rằng bạn hiểu bé đang giao tiếp với bạn bằng cách này, bạn đã tăng cường lòng tự tin cho bé.
Niềm vui thể chất
Bởi vì phần thân trên của bé khá mạnh và đã kiểm soát được đầu vững, bé có thể biết cách lật từ trước ra sau. Hãy chơi các trò chơi trên sàn nhà với bé để bé có thể biểu diễn kỹ năng mới này và bạn có thể giúp bé hoàn thiện nó.
Bài hát về các hoạt động
Có nhiều bài hát bạn có thể hát để khuyến khích bé sử dụng tay chân và hoàn thiện các kỹ năng vận động. Hát các bài hát đi kèm với các cử động của bàn tay chẳng hạn như "hai bàn tay của em này em múa cho mẹ xem...". Cầm tay hoặc chân bé khi hát để bé có thể tham gia vào hoạt động.
Sự phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội
Vào giai đoạn này việc nhận biết mình là một thành viên của gia đình và của thế giới xung quanh giúp cho trẻ phát triển rất nhiều. Hãy luôn khuyến khích bé và ghi nhận những thành quả mà bé đã đạt được - đôi khi một vài lời vỗ về hoặc sự giúp sức nhỏ ( nhặt đồ chơi lên giúp bé ) cũng giúp ích cho bé rất nhiều. Khuyến khích mọi người trong gia đình cùng làm như vậy. Bé càng nhận được nhiều sự trợ giúp, quan tâm từ anh chị em ruột, bạn bè và bố mẹ thì càng tốt cho bé!
Khuôn mặt của bé có thể biểu lộ tình cảm với đầy đủ các sắc thái cảm xúc - chống đối nếu không được cầm lấy vật gì, buồn bã, bực bội nếu bạn lấy đi đồ chơi hoặc vật mà bé thích, bi bô vui sướng nếu nhìn thấy vật gì đó hấp dẫn.
Sự an tâm
Mặc dù bé có thể hoàn toàn vui sướng khi chơi với những người khác nhưng bạn vẫn là người mà bé yêu thích nhất. Bé sẽ giơ tay lên để được bế khi thấy bạn, và bắt đầu quấy khóc khi bạn bắt đầu ra khỏi phòng. Bé cảm thấy an tâm nhất khi trong vòng tay của bạn và sẵn sàng đáp ứng với giọng nói của bạn.
Xã hội hóa
Mặc dù bé vui sướng khi được tự mình xem xét mọi đồ vật và nhìn những việc diễn ra xung quanh nhưng bé cũng sẽ háo hức với giao tiếp xã hội, muốn tham gia vào các cuộc đàm thoại diễn ra xung quanh. Bé sẽ nhìn bạn chăm chú khi bạn chỉ cho bé cách chơi một đồ chơi.
Các giao tiếp này làm cho bé cảm thấy là một thành viên của gia đình, góp phần làm cho bé an tâm về cảm xúc và phát triển kỹ năng xã hội. Những kỹ năng cực kỳ quan trọng này được chia thành hai loại: biết người khác nghĩ gì và cảm thấy như thế nào và biết cách quan tâm đến người khác.
Thay đổi trạng thái nhanh chóng
Chỉ trong vài giây, bé sẽ chuyển nhanh từ trạng thái vui vẻ sang khoác sướt mướt. Trò chơi cù hoặc tạt nước trong chậu tắm có thể nhanh chóng biến sự vui thích thành những dòng nước mắt bởi vì có ranh giới rất nhỏ giữa sự thích thú và sự kích thích quá mức.
Cố gắng dự đoán trước sự thay đổi này - thường xảy ra khi bé quá mệt chẳng hạn - và nhanh chóng đáp ứng lại bé. Nên nhớ rằng bé cũng cần thời gian yên tĩnh, thậm chí muốn được ở một mình trong một khoảng thời gian. Bằng cách nhận biết nhu cầu nghĩ ngơi của bé, bạn có thể tạo dựng được lòng tin và giúp bé có thời gian dịu đi và tập trung lại.
Hộp đồ chơi
Ngạc nhiên
Em bé rất thích các trò chơi tạo sự bất ngờ. Một hình người nộm hoặc hộp đồ chơi tạo ra âm thanh khi bạn ấn nút sẽ làm bé thích thú. Tăng cường khả năng giao tiếp, cách sử dụng bàn tay và kỹ năng nhìn bằng cách giúp bé ấn lên nút ở đồ chơi để làm âm thanh phát ra.
Các đồ chơi phát ra âm thanh
Đặt vào mỗi bàn tay bé một đồ chơi phát ra các âm thanh khác nhau. Phải lựa loại dễ dàng sử dụng khi bé chỉ dùng một tay. Quan sát cách bé phán đoán khi tìm xem âm thanh phát ra từ bàn tay nào khi bé ấn nút.
Âm nhạc và hoạt động
Bé sẽ thích các món đồ chơi mà bé có thể thao tác bằng tay dễ dàng. Giờ đây một cái trống lục lạc hoặc đồ chơi bằng nhựa trong có chứa các hạt nhiều màu sắc chuyển động khi bé lắc sẽ làm cho bé vui. Cả hai thứ đồ chơi này đều dạy bé về khả năng vượt qua trở ngại.
0 comments:
Post a Comment