Home » » Chăm sóc con từ 1 đến 2 tháng tuổi

Chăm sóc con từ 1 đến 2 tháng tuổi

Vào cuối tháng thứ 2, bé sơ sinh sẽ phát triển thành một đứa trẻ có khả năng chú ý đến những sự việc diễn ra xung quanh mình và khả năng kiểm soát cơ thể của bé cũng tốt hơn. Vào khoảng 6 tuần tuổi, bé sẽ bắt đầu đáp ứng lại tình cảm của mẹ bằng những nụ cười và tính cách riêng của bé cũng bắt đầu bộc lộ rõ nét.


Chăm sóc con từ 1 đến 2 tháng tuổi

Sự phát triển thể chất

Trẻ tăng cường nhanh về kích thước và sức mạnh. Cơ bắp của bé trở nên mạnh mẽ hơn, các cử động cũng rõ ràng hơn và cho tới 8 tuần tuổi bé đã mạnh khỏe hơn nhiều so với lúc mới sinh. Bé cũng có thể sẽ mất đi các phản xạ lúc mới sinh.

Duỗi thẳng

Các bé sẽ bắt đầu duỗi thẳng tay chân ra và không còn nằm co quắp như lúc mới sinh. Khớp gối và khớp háng mạnh mẽ hơn và không còn mềm như trước đây. Bàn tay cũng sẽ không còn thường xuyên nắm chặt mà mở rộng ra, sẵn sàng để cầm lấy đồ chơi.

Vào cuối tháng thứ 2, nếu bạn đặt một cái lục lạc vào tay bé, bé có thể tự nắm lấy và giữ nó được một lúc lâu.

Giữ thẳng đầu

Bây giờ bé sẽ thử ngóc đầu dậy nhiều lần và có thể nâng lên một góc 45 độ trong khoảng 1 hoặc 2 giây khi đang nằm sấp. Khả năng này báo hiệu cơ cổ bé đã trở nên mạnh mẽ hơn.

Bé cũng biết quay đầu khi muốn kiếm tìm một điều gì đó - ví dụ như khi bé bị thu hút bởi một âm thanh, một hình ảnh xuất hiện đột ngột hoặc đơn giản là khi nghe thấy tiếng nói của mẹ ở đâu đó.
Nụ cười đầu tiên 
Vào khoảng 6 tuần tuổi, bé có thể cười nụ cười đầu tiên. Khi cười mắt bé sáng lên và khi bạn cười lại với bé thì khuôn mặt bé sẽ trở nên rạng rỡ hơn. Mặt dù trước đó bé có thể có các biểu hiện như nhăn mặt, muốn cười tuy nhiên bạn có thể nhận ra nụ cười thật sự này ngay do bé dùng cả khuôn mặt để cười, nhất là đôi mắt. 
Đây thật sự là một bước tiến trong quá trình phát triển. Bé càng cười, bạn sẽ càng thích thú và càng muốn trò chuyện với bé. Khuôn mặt hạnh phúc của bé sẽ lôi cuốn bạn vào mối tương tác này và đây chính là điều cần thiết giúp bé hòa nhập vào xã hội con người. 
Không gì có thể ngăn cản bé một khi bé đã biết cách cười. Bé có thể cười với những người mà mình nhìn thấy nhất là những người nhìn và trò chuyện với bé. Tuy nhiên chỉ trong vài tuần sau đó, bạn có thể thấy rằng bé cười có chọn lựa hơn, bé nhanh chóng nhận biết đâu là những khuôn mặt thân quen và xa lạ, bé dành nụ cười tươi tắn cho những gương mặt mà bé yêu quý nhất. 
Điều quan trọng đây chính là giai đoạn thích thú nhất trong quá trình phát triển. Nụ cười cho bạn biết bé đang hạnh phúc, vậy đừng do dự khi cười lại với bé.

Cử động

Phản xạ đá chân ngộ nghĩnh trong những tuần đầu tiên sẽ trở nên dễ dàng hơn giống như hành động đạp xe. Bây giờ bé thức nhiều hơn và trong lúc thức bé sẽ cử động tay chân để tăng cường sức mạnh cơ bắp. Bé cũng quan tâm hơn đến các vật chuyển động. Bạn cũng có thể đặt bé nằm dưới một dụng cụ tập thể dục dành cho trẻ em trên sàn nhà để bé đánh vào. Lúc đầu bé sẽ đánh hụt nhiều lần bởi vì trong thời kỳ này mặc dù các cử động của cánh tay đang trở nên có mục đích hơn nhưng sự phối hợp và khả năng ước lượng khoảng cách từ tay đến vật vẫn còn kém.

Học các kỹ năng

Bây giờ bé quan tâm hơn đến môi trường xung quanh. Bé nhận ra bạn rõ ràng hơn. Bé bắt đầu biểu hiện sự vui mừng khi thấy bạn bằng cách cử động toàn thân một cách thích thú, đá và vung vẩy tay chân. Bạn cũng nhận thấy rằng bé thường nhìn theo hướng có tiếng động hoặc có vật di chuyển và bé cũng dõi mắt nhìn theo bạn khi bạn đi lại xung quanh bé.

Nhìn và lắng nghe

Trong tháng này, bé luyện tập khả năng tập trung cả hai mắt vào cùng một thời điểm vào cùng một thời gian (điều này gọi là khả năng nhìn hai mắt). Chẳng bao lâu sau bé có khả năng nhìn kỹ toàn gương mặt, chú ý đến chi tiết hơn, chẳng hạn như nhìn mắt và mũi hơn là chỉ nhìn những nét chung và sự tương phản ban đầu. Bé cũng có thể nhìn được những vật ở khoảng cách xa hơn mặc dù bé thích quan sát những vật ở gần hơn.


Khả năng thấu hiểu ngôn ngữ của bé cũng phát triển hơn, bé có thể há miệng, ngậm và chu miệng bắt chước khi bạn nói chuyện với bé. Bé cũng có khả năng điều chỉnh hành vi tùy theo giọng điệu khi nghe bạn nói - yên lặng nếu bạn nói nhỏ, vui vẻ khi bạn nựng nịu và có vẻ khó chịu nếu bạn nói lớn và sẵng giọng.
Hoat động để phát triển kỹ năng 
Bạn vẫn là thứ đồ chơi ưa thích nhất của bé. Nói chuyện với bé, đu đưa bé, mở nhạc hoặc hát cho bé nghe và nhảy quanh phòng với bé  - tất cả những hoạt động này sẽ mang lại niềm vui cho bé, kích thích bé mang lại kết quả tích cực. Hãy hát cho bé nghe khi tắm bé: vẩy nước nhẹ nhàng lên các ngón chân và bụng bé khi bạn giữ bé trong chậu tắm. 
Kích thích các giác quan phát triển: 
  • Đặt bé đứng trên một chiếc ghế mềm hoặc ghế nhún để bé cảm nhận tốt về những gì diễn ra xung quanh mình. Gọi bé từ nhiều hướng khác nhau trong phòng và xem bé định vị âm thanh như thế nào. Những trò chơi như thế giúp bé phối hợp tốt thính giác và thị giác.
  • Chơi trò "chú lợn con" với các ngón chân của bé. Điều này sẽ giúp bé thư giản và tăng cường khả năng nhận biết về cơ thể và phát triển xúc giác (cảm giác nhột khi bạn cù bé lúc đếm xong 10 ngón chân.).
  • Lặp lại cùng một bài hát nhiều lần, hãy chú ý xem cần bao lâu bé học được và cùng tham gia với bạn.
  • Bé cũng tỏ vẻ thích thú nếu bạn xoa vào lòng bàn tay hoặc bàn chân bé bằng vật mềm hoặc có lông.

Trí nhớ

Mặc dù trí nhớ của bé chưa phát triển trong những tuần đầu tiên nhưng nó sẽ cải thiện và trở nên nhạy bén hơn khi bé lớn lên. Để giúp tăng cường trí nhớ bé, hãy để cho bé cảm nhận đồ vật bằng nhiều giác quan. Ví dụ, bé sẽ có khả năng nhớ một thứ đồ chơi nếu bé nhìn và sờ vào nó bởi vì trí nhớ bao gồm những chi tiết về hình dạng, cấu trúc màu sắc và đường nét chung của đồ chơi.

Sự phát triển về cảm xúc và kỹ năng xã hội

Điều này đáng yêu nhất về sự phát triển của bé trong giai đoạn này là bé biết nhận và đáp ứng lại bạn. Đáp ứng đáng giá nhất là biểu hiện của nụ cười thật sự khi bé được khoảng 6 tuần tuổi.

Bé vẫn còn hay khóc, nhưng bé cũng biết thêm những cách khác để thu hút sự chú ý của bạn và bày tỏ cảm xúc của mình như dùng gương mặt và cơ thể để biểu lộ cảm xúc mà bé mong muốn.

Hộp đồ chơi 
Dụng cụ tập cho bé 
Dụng cụ tập cho bé (được gắn trên nôi hoặc xe đẩy) là một thanh để gắn những thứ mà bé yêu thích. Chọn những đồ vật phát ra âm thanh và có nhiều màu sắc. Bé sẽ thích những thứ tạo ra tiếng sột soạt, kêu leng keng hoặc lách cách. 
Đồ chơi di động sẽ giúp bé phát triển khả năng nhìn và bé sẽ thích rèn luyện kỹ năng đánh vào vật đó. Thỉnh thoảng di truyển vị trí của bé để bé có thể thấy tất cả những đồ chơi khác nhau được treo trên đó, và thay đổi thường xuyên các đồ chơi này để làm cho bé đỡ nhàm chán. 
Sách 
Không bao giờ là quá sớm khi tập cho bé xem sách. Chọn loại sách có các tranh ảnh rõ ràng, in đậm vẽ hình mặt người, hình em bé, thú vật hay các loại cây cỏ. Chúng giúp bé làm quen với các khuôn mặt và đồ vật hằng ngày. Dựng cuốn sách cạnh bé để bé có thể liếc nhìn và thỉnh thoảng lật sang trang khác. Tốt hơn cho bé ngồi trong lòng bạn và nói cho bé nghe về các bức tranh và hình ảnh trong sách. 
Lục lạc 
Bé sẽ thích cầm một cái lục lạc và thích thưởng thức những âm thanh tạo ra khi bạn lắc nó, mặc dù trong giai đoạn này bé chưa thể tự làm điều này.

Biết bày tỏ sự thân thiện

Bây giờ bé sẽ trở nên chú ý nhiều đến khuôn mặt bạn vì khả năng nhìn của bé đã phát triển hơn và bé rất giỏi trong việc bắt chước các cử chỉ của nét mặt. Nhận thức được về những gì diễn ra quanh mình có nghĩa là bé tham gia nhiều hơn, thu thập nhiều dữ kiện về cách giao tiếp với bạn, nhận ra các sắc thái của ngôn ngữ, giọng điệu, cách biểu lộ và ghi nhận tất cả các thông tin này để sử dụng trong tương lai.

Bây giờ bé sẽ thích mọi kiểu giao tiếp, bé thích biểu lộ tình cảm bằng ngôn ngữ cơ thể, đáp ứng nồng nhiệt bằng cách co tay chân, lúc lắc và những đụng chạm cơ thể.


Tạp chí mẹ yêu bé tổng hợp tin tức về sức khỏe và làm đẹp cho mẹ và bé. Gửi tâm sự và chia sẻ của bạn đến vinguyen2302@gmail.com. Chúng tôi sẽ tư vấn và trả lời mọi thắc mắc của bạn và đăng tải lên website trong thời gian sớm nhất.

0 comments:

Post a Comment

Click quảng cáo giùm em

BACK TO TOP