Home » » Giấc ngủ của bé trong 6 tháng đầu tiên

Giấc ngủ của bé trong 6 tháng đầu tiên

Giấc ngủ là nền tảng đối với sự phát triển của trẻ. Trong những tháng đầu tiên bộ não trẻ hoạt động với mức độ đáng kinh ngạc, liên tiếp phát triển và tạo những mối liên hệ mới giữa các tín hiệu với tốc độ rất nhanh. 


Giấc ngủ của bé trong 6 tháng đầu tiên

Bé liên tục ghi nhận những thông tin mới về thế giới xung quanh, để rồi trong khi ngủ các thông tin này được xử lý, lưu trữ nhằm sử dụng trong tương lai. Cơ thể bé cần thời gian nghỉ ngơi để tích trữ năng lượng, tăng cường sức mạnh và lớn lên.

Bé cần ngủ bao lâu



Trẻ ngủ nhiều hay ít là tùy theo nhu cầu của cơ thể mỗi bé - bé ngủ khi cơ thể cần nghỉ ngơi hoặc khi não đã được kích thích đủ và bé thức khi đã ngủ đủ giấc. Bạn hoặc bản thân bé không thể điều khiển được giấc ngủ. Cơ thể bé sẽ ngủ hoặc thức khi cần.

Trong những tuần lễ đầu tiên khi mới chào đời bé sẽ ăn và ngủ trong những khoảng thời gian đều đặn suốt cả ngày và đêm. Thời gian đầu bé sẽ có những giấc ngủ tương đối ngắn, điều này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi nhưng khi lớn lên giấc ngủ của bé sẽ dài hơn.

Rất khó tiên đoán khi nào bé muốn ngủ và ngủ trong bao lâu. Thông thường một em bé sơ sinh sẽ ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày. Khi lớn lên thời gian ngủ sẽ giảm dần, lúc 6 tháng tuổi bé sẽ ngủ khoảng 14 giờ một ngày và có thời gian thức lâu hơn.

Mặc dù các bé sơ sinh có thể ngủ vào bất kỳ thời điểm nào dù là ngày hay đêm nhưng vào khoảng 6 tháng tuổi bé có thể tự thức giấc khi có điều gì vui hoặc kích thích bé.

Điều gì xảy ra trong khi bé ngủ

Trong khi ngủ, bé không chỉ thư giản mà còn thực hiện rất nhiều việc khác nữa. Cơ thể bé tích trữ năng lượng thu nhận được từ sữa và chuyển hóa chúng thành năng lượng cần cho sự phát triển và để sưởi ấm cơ thể. Các tế bào trong cơ thể và não nhân đôi với một tốc độ rất nhanh chóng và bé cũng đang sản xuất bạch cầu là chất cần thiết cho hệ thống miễn dịch. Đây cũng là thời điểm bé tăng trưởng nhanh nhất vì giấc ngủ giúp kích thích hooc mon tăng trưởng phát triển. Bộ não bé vẫn hoạt động trong khi bé ngủ.

Chu kỳ các giấc ngủ của bé ngắn hơn nhiều so với bạn - 47 phút đối với trẻ sơ sinh và 90 phút đối với người lớn. Trong chu kỳ này giai đoạn cử động mắt nhanh của bé (REM) chiếm 50% (dài hơn so với người lớn), cơ thể bé giật nhẹ và nhấp nháy mí mắt, điều này chứng tỏ bé đang mơ. Bé có nhiều khả năng thức giấc trong giai đoạn này. Giấc ngủ ngoài giai đoạn cử động mắt nhanh (non-REM) chiếm thời gian còn lại - giấc ngủ bình yên sâu nhất trong 4 giai đoạn và rất khó đánh thức.

Hình thành cách ngủ



Khoảng 4 đến 5 tuần tuổi, dưới sự hướng dẫn của bạn, bé bắt đầu ngủ nhiều về đêm hơn là ngày, điều này ngày càng rõ hơn trong những tháng sau đó. Lúc ban đầu, do bé chưa thể phân biệt được ngày và đêm nên bạn phải giúp bé biết điều này.

Bạn có thể giúp hình thành kiểu ngủ ngày và đêm bằng cách để bé ngủ vào ban ngày trong phòng không quá tối để bé có thể nghe các âm thanh ngày thường như điện thoại reo, tiếng máy giặt, xoong nồi hoặc tiếng người nói chuyện. Ban đêm, bạn nên đặt bé nằm trong phòng tối và yên tĩnh.

Khi bé được khoảng 2 tháng tuổi, bạn có thể bắt đầu tạo lập thói quen đi ngủ. Để bé ngủ giấc ngắn vào ban ngày, ngủ khoảng cùng một thời điểm mỗi ngày -  có thể khoảng giữa buổi sáng hoặc giữa buổi trưa - và đặt bé lên giường vào cùng thời điểm mỗi đêm. Điều này dạy cho bé biết rằng cuộc sống có nhịp điệu và tạo cho bé cảm giác an tâm và tin tưởng vào bản thân và môi trường xung quanh. Khoảng 6 tháng tuổi, bé có thể ngủ 10 giờ liên tục vào ban đêm và các giấc ngủ ngắn không liên tục (khoảng 5 giờ) vào ban ngày.

Tạo lập thói quen đi ngủ

Khi bé có ý thức hơn về những điều xảy ra xung quanh và trí nhớ đã phát triển, bé sẽ biết tiên đoán những sự kiện và làm quen với những việc xảy ra trong ngày. Vào giai đoạn này, bé thích nghi tốt với những nề nếp hằng ngày và bắt đầu thích thú với những trình tự chuẩn bị cho giấc ngủ đêm. Mỗi tối nên cố gắng thực hiện theo cùng một trình tự và cùng một thời điểm. Chẳng hạn như bắt đầu bằng việc tắm cho bé, sau đó ôm ấp vuốt ve và chơi đùa cùng bé. Cho bé bú và đặt bé vào nôi, khi bé trong trạng thái buồn ngủ nhưng còn thức, bạn có thể hát ru bé.

Đưa bé vào giấc ngủ trong khi bé còn thức cho thấy bé sẽ ngủ mà không phụ thuộc vào việc bú mẹ hay bú bình. Điều này cũng có nghĩa là nếu bé chợt thức giấc sẽ biết mình đang ở đâu và an tâm ngủ lại mà không làm phiền bạn, trừ khi bé đói hoặc có điều gì đó làm bé khó chịu.

Nếu có thể, chồng bạn cũng nên tham gia vào giờ ngủ của bé. Anh ấy có thể tắm hoặc đọc sách cho bé nghe. Điều này củng cố thêm sự gắn bó cha con, tạo niềm tin cho bé, để bé không chỉ có cảm giác an tâm và thoải mái khi dựa vào một mình mẹ.

Ngủ cùng với bé.



Những tháng đâu ở gần bé là điều quan trọng không đơn thuần do bạn phải cho bé ăn thường xuyên vào ban đêm. Bạn có thể nhận ra rằng bạn muốn ngủ cùng với bé, nhất là khi bé bú sữa mẹ. Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi ngủ cùng mẹ sẽ có lợi cho bé hơn; nó giúp điều hòa nhịp thở và thân nhiệt bé cũng như cho sự phát triển cảm xúc của bé. Cảm giác khi được ở bên cạnh bé thật là tuyệt diệu, nó cũng giúp bạn bớt lo lắng về sức khỏe và sự bình an của bé hơn.

Bạn muốn ngủ chung với bé hay không là do bạn. Ở các nền văn hóa khác nhau bố mẹ làm điều này theo trực giác, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải làm giống như vậy. Điều quan trọng là bạn và bé đều phải có giấc ngủ thoải mái. Nếu bạn cố gắng ngủ chung với bé và nhận thấy rằng bạn và chồng dường như không được thoải mái thì đặt bé vào nôi có lẽ là cách lựa chọn tốt nhất.

Tại sao bé thức giấc



Trong 6 tháng đầu tiên, giấc ngủ của bé chưa được ổn định lắm. Ví dụ bé có thể ngủ liền một mạch 5 giờ liền trong vòng vài tuần đầu rồi đột nhiên thức giấc mỗi 2 giờ trong đêm. Giấc ngủ trong 6 tháng đầu có liên quan chặt chẽ với nhu cầu tiếp thu năng lượng của bé: thí dụ như trong giai đoạn lớn nhanh bé sẽ cần bú nhiều sữa hơn. Giấc ngủ thất thường có thể là điều bình thường với các bé ở độ tuổi này, thiết lập một kiểu ngủ linh động sẽ giúp bạn và bé vượt qua được thời điểm khó khăn này nhẹ nhàng hơn. Nhiều bé không ngủ đều đặn suốt đêm cho đến khi được 6 tháng tuổi hoặc hơn.

Đối phó với việc bé thức giấc về đêm là một việc khó khăn, nhưng bé thức giấc do nhiều lý do. Trong những ngày đầu tiên dạ dày của bé còn nhỏ nên chỉ chứa được rất ít sữa, vì vậy bé sẽ mau đói và không ngủ suốt đêm được. Nhiều yếu tố khác cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé - những điều khó chịu có thể làm bé thức như đau bụng, tã ướt hay đau do mọc răng. Nghẹt mũi cũng có thể gây khó chịu vì khi 2 - 3 tháng tuổi bé chỉ biết thở bằng miệng. Đạt được một bước tiến mới trong quá trình phát triển cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Ví dụ, người ta nghĩ rằng kích thích tâm thần học do ngồi hay bò vào khoảng 5 đến 6 tháng tuổi có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé, mặc dù có những giả thuyết khác cho rằng điều này làm cho bé ngủ lâu hơn.

Tạp chí mẹ yêu bé tổng hợp tin tức về sức khỏe và làm đẹp cho mẹ và bé. Gửi tâm sự và chia sẻ của bạn đến vinguyen2302@gmail.com. Chúng tôi sẽ tư vấn và trả lời mọi thắc mắc của bạn và đăng tải lên website trong thời gian sớm nhất.

0 comments:

Post a Comment

Click quảng cáo giùm em

BACK TO TOP