Home » » Cho bé ăn

Cho bé ăn

Cho bé ăn chiếm mất nhiều thời gian nhưng đó là cách tốt nhất để bạn và bé gắn bó với nhau. Sữa mẹ cung cấp tất cả các nhu cầu dinh dưỡng giúp bé lớn và phát triển khỏe mạnh. 

Khoảng bốn đến sáu tháng tuổi, bé sẽ có cân nặng gấp đôi so với lúc sinh và bé cần ăn thêm thức ăn đặc, giàu dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho nhu cầu phát triển của cơ thể bé.

Cho bú sữa mẹ



Sữa mẹ dễ tiêu và dễ hấp thu, có rất ít chất "thải". Bé dễ hấp thu sữa mẹ hơn sữa hộp. Thành phần của sữa mẹ sẽ không ngừng thích nghi với nhu cầu luôn thay đổi của bé: sữa mẹ khi bé mới sinh khác với khi bé được 6 tháng tuổi. Nguồn sữa đầu tiên bé bú sau sinh gọi là sữa non - là một chất màu vàng, dạng kem rất giàu kháng thể, vitamin và protein.

Sau ba hoặc bốn ngày mới là sữa mẹ thật sự. Mỗi khi bú, bé sẽ bú mạnh những giọt sữa đầu tiên để làm dịu cơn khát. Những giọt sữa này có nhiều lactose (đường sữa) nhưng ít béo. Khi đã thỏa cơn khát, bé sẽ chuyển sang bú chậm, nhịp nhàng, khi đó sữa có nhiều chất béo. Trong sữa có một loại enzyme đặc biệt có thể làm cho chất béo được hấp thu trong cơ thể bé, điều này cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của bé.

Ích lợi của sức khỏe

Sữa mẹ vượt xa sữa pha chế theo công thức về thành phần dinh dưỡng - chứa hơn 100 thành phần không tìm thấy trong sữa bò và không thể tổng hợp nhân tạo được. Bởi vì sữa mẹ có nhiều kháng thể nên nó cực kỳ cần thiết cho hệ thống miễn dịch của bé, bảo vệ bé chống lại nhiều căn bệnh như nhiễm trùng hô hấp, tai mũi họng, tiêu hóa. Người ta tin rằng sữa mẹ cũng có thể giúp chống lại tình trạng dị ứng, chẳng hạn như hen hòa chàm, chống lại tiểu đường ở trẻ em và một số dạng ung thu.

Bắt đầu cho bú

Cho con bú là một kinh nghiệm quý giá. Tuy nhiên khi mới bắt đầu không ít bà mẹ cảm thấy bối rối. Em bé có thể bú dai dẳng hoặc bú liên tục làm đau núm vú và bạn có thể cảm thấy lo lắng vì sợ bé bú không đủ no. Bạn cũng lo lắng và khó chịu khi vú trở nên căng tức sữa. Cố gắng nghỉ ngơi, uống nhiều nước hơn bình thường và ăn uống đầy đủ là những điều mà các bà mẹ đang cho con bú nên làm. Thường thì hầu hết các bà mẹ này đã vượt qua được những khó khăn đầu tiên này và tiếp tục cho con bú thành công về sau.

Nếu bạn có bất kỳ rắc rối nào về việc cho con bú, hãy nói với bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc chuyên viên dinh dưỡng, họ sẽ động viên, khuyến khích và tư vấn cho bạn về những điều nên làm.

Lợi ích của việc vắt sữa

Vắt và dự trữ sữa mẹ giúp bạn linh động hơn mà không làm giảm đi lượng sữa tiết ra. Điều này cũng rất có lợi cho bạn vì người khác có thể thay bạn cho bé bú để bạn có thêm giời gian nghỉ ngơi. Nó cũng giúp bé tiếp tục được bú sữa mẹ khi bạn đi làm trở lại.


Khi bạn đang cho con bú không có nghĩa là chồng bạn hay những người khác không thể cho bé bú mỗi khi cần thiết. Có nhiều loại dụng cụ vắt sữa sẵn có trên thị trường, tiện lợi để bạn vắt sữa khi cần. Bạn có thể trữ sữa trong tủ lạnh (nếu định dùng trong 24 giờ) hoặc trong tủ đông nếu dùng trong thời gian lâu hơn.
Cách cho con bú 
Khi bạn kề vú vào miệng bé, theo bản năng bé sẽ há rộng miệng và cố gắng ngậm bầu vú mẹ và bắt đầu bú. Điều này gọi là sự "cắm chốt". Bé đã từng thực hiện động tác bú trước đó rồi - bé đã tập mút ngón tay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi thứ đều dễ dàng khi cho bú lần đầu. Học cách cho bú - dù là cho bú mẹ hay bú bình -  đều đòi hỏi cần phải có thời gian, cần nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần để cả bạn và bé đều cảm thấy hài lòng.

Cho bé bú bình

Đối với các bà mẹ không thể cho con bú sữa mẹ, trên thị trường hiện nay đã có sẵn rất nhiều các công thức sữa đáp ứng cho nhu cầu của bé. Hầu hết các loại sữa pha theo công thức này được làm từ sữa bò với thành phần gồm các protein được biến đổi, hydrat cacbon, chất béo, bổ sung vitamin và muối khoáng, chứa một tỷ lệ protein tương tự như trong sữa mẹ. Một số công thức sữa còn được cho thêm vào các axit béo chuỗi dài, mặc dù trong các dạng sữa tự nhiên người ta không tìm thấy nó.

Không nên dùng sữa bò cho bé dưỡi một tuổi, bởi vì nó có nồng độ protein và muối cao làm bé khó tiêu, ít vitamin C và sắt, đó là những chất cần thiết để bé phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, sữa bò có thể được trộn với những thức ăn đặc đầu tiên của bé chẳng hạn như bột, cháo khi bé được khoảng 6 tháng tuổi.

Có một số công thức sữa được chế biến từ đậu nành với các protein được biến đổi, vitamin và muối khoáng. Loại sữa này thường được sử dụng thay thế cho các loại sữa thông thường nếu bé không dung nạp với protein có trong sữa bò (gặp trong khoảng 2% em bé).

Nếu bé bú bình, một trong những lợi ích rõ ràng nhất là bạn có thể chia sẻ việc cho bú với chồng bạn hoặc các thành viên khác trong gia đình và người chăm sóc bạn để bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi

Khi nào nên cho bé ăn đặc



Thức ăn đặc là nền tảng trong sự phát triển  của bé. Về thể chất bé không thể ăn thức ăn đặc trước 4 tháng tuổi. Cho đến thời điểm này, hệ tiêu hóa của bé chưa trưởng thành đủ mạnh để có thể phẩn hủy được thức ăn và cơ hàm của bé cũng chưa có các hoạt động để đưa thức ăn từ phía trước ra sau vòm miệng. Ngoài ra thận của bé cũng chưa đủ khả năng để xử lý thức ăn.

Mỗi bé là một cá nhân riêng biệt và việc bắt đầu cho thức ăn đặc cũng khác nhau đối với từng bé, vì vậy bạn nên cho bé ăn vào một thời điểm nào đó trong khoảng từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6. Nếu bé trên 4 tháng tuổi và thưởng cảm thấy đói nhiều hơn trước, thức nhiều lần hơn trong đêm để đòi bú, trở nên kích thích khi thấy người khác ăn hoặc cố với lấy thức ăn khi để ở gần bé thì đó có thể là những dấu hiệu báo cho bạn biết đã đến lúc bé cần phải cho ăn thêm thức ăn đặc.

Tập cho ăn từ từ



Trong hai tuần đầu, mỗi ngày bé chỉ cần ăn thêm một bữa bột cùng một hoặc hai muỗng cà phê nước ép trái cây (như táo hoặc lê chẳng hạn) là đủ. Trong giai đoạn này, bạn nên tập cho bé làm quen từ từ với thức ăn đặc. Nếu bạn cho ăn khi bé quá đói bé sẽ không thích và không chịu hợp tác để thử vì vậy bạn hãy chọn thời điểm thích hợp giữa 2 lần cho bú. Đừng ép bé ăn - nên tạo không khí thoải mái, vui vẻ vào giờ ăn chứ không phải là một cuộc thử thách.

Tăng dần lượng thức ăn đặc cho đến khi đạt được ba lần một ngày đồng thời cũng tăng dần độ đặc của nước ép trái cây. Tránh cho bé ăn các loại thức ăn làm từ lúa mì, sữa (ngoại trừ sữa mẹ hoặc sữa pha chế theo công thức), đậu, trứng, nước chanh, thức ăn béo hoặc cay trước khi bé được 6 tháng tuổi. Những loại thức ăn này có thể ảnh hưởng trên dạ dày hoặc gây ra dị ứng cho bé nếu được cho ăn quá sớm.

Mặc dù việc bắt đầu cho ăn thức ăn đặc là một điều thú vị nhưng nó có thể cũng sẽ rất khó khăn. Đây là lần đầu tiên bé được thử loại thức ăn khác với sữa, có khẩu vị mới nên cần phải dành thời gian để cho bé làm quen. Đầu tiên, bé sẽ học cách mút từ muỗng, khi đã trở nên quen với nhiều loại thức ăn hơn bé sẽ bắt đầu dùng lợi để nghiền. Tập cho bé ăn cần nhiều thời gian và lòng kiên nhẫn và trong thời gian đầu sẽ có nhiều thức ăn bị rơi vãi ra ngoài. Đừng lo lắng vì lượng thức ăn vào miệng bé quá ít - sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính ở thời điểm này.

Mọc răng và cho ăn 
Mặc dù hầu hết trẻ thường không mọc răng trong 6 tháng đầu tiên, tuy nhiên một vài bé có thể bắt đầu sớm. Mọc răng có thể làm cho bé khó chịu và gây cản trở cho việc ăn uống. Bé có vẻ còn muốn bú bình hay bú mẹ thêm nhưng lại nhả núm vú ra ngay vì bé cảm thấy khó chịu. Bé cũng không tỏ vẻ thích thú với các thức ăn đặc.
Bé sẽ thích ăn trở lại khi răng đã mọc lên nhưng nếu bé vẫn tỏ vẻ không muốn ăn (kể cả sữa thông thường) trong hơn một ngày thì bạn nên đưa bé đến bác sĩ để chắc chắn rằng bé không bị bệnh gì thêm.

Ăn và các kỹ năng xã hội

Ăn là một thói quen xã hội và khi đã ngồi được vững bé có thể tham gia vào bữa ăn cùng với gia đình. Điều này tạo cơ hội cho bé phát triển nhân cách khi bé khám phá và biểu lộ những điều bé thích và không thích.

Trẻ có thể bắt chước mà không cần suy nghĩ. Bé sẽ nhìn cách bạn ăn và cố gắng bắt chước theo, bé sẽ cầm muỗng lên và tự đưa vào miệng. Mặc dù còn vụng về nhưng điều quan trọng là bé học được một kinh nghiệm mới, biểu hiện một bước nhảy vọt trên con đường trở nên người độc lập.

Các nghiên cứu cho thấy việc tập thói quen ăn uống tốt từ sớm sẽ rất có lợi cho trẻ. Vì vậy nên tránh cho trẻ ăn thức ăn có thêm đường vì sẽ tạo cho trẻ quen với khẩu vị quá ngọt có thể gây ra sâu răng sau này.

Tạp chí mẹ yêu bé tổng hợp tin tức về sức khỏe và làm đẹp cho mẹ và bé. Gửi tâm sự và chia sẻ của bạn đến vinguyen2302@gmail.com. Chúng tôi sẽ tư vấn và trả lời mọi thắc mắc của bạn và đăng tải lên website trong thời gian sớm nhất.

0 comments:

Post a Comment

Click quảng cáo giùm em

BACK TO TOP