Home » » Chăm sóc con từ lúc mới sinh đến một tháng tuổi

Chăm sóc con từ lúc mới sinh đến một tháng tuổi

Đối với bạn dường như mọi điều bé có thể làm lúc mới sinh là ăn, ngủ và khóc nhưng thực sự từ thời điểm này bé đã phát triển các kỹ năng mới với một tốc độ đáng kinh ngạc. Cuối tháng thứ nhất, bé sẽ trở nên tỉnh táo hơn, bắt đầu kiểm soát và điều hòa được các động tác cơ thể, biết nhận ra mẹ khi thấy và nghe tiếng bạn thậm chí biết đáp ứng khi bạn trò chuyện cùng bé.


Sự phát triển thể chất

Trong những tuần đầu tiên bé vẫn còn ở tư thế nằm co, chân co lên và bàn tay nắm chặt như khi nằm trong tử cung nhưng chẳng bao lâu bé sẽ bắt đầu duỗi thẳng ra khi các khớp trở nên mềm dẻo hơn. Phải bảo đảm rằng bạn luôn luôn nâng đỡ đầu bé và không bao giờ được lắc lư bé.

Cử động

Ngay cả trước khi sinh, bé đã bắt đầu tập luyện các cơ – và giờ đây bé có nhiều không gian hơn để làm điều đó. Khi thức, bé vung vẩy tay và đá chân rất mạnh, đặc biệt khi đáp ứng với kích thích, khó chịu hoặc khóc. Vào lúc này, những cử động này là phản xạ ngẫu nhiên, không tự ý nhưng nó làm tăng sức mạnh cơ bắp, kích thích hệ thần kinh, đặt nền tảng cho những cử động tự ý sau này.

Nếu bạn đặt bé nằm sấp trong nôi hoặc giữ bé nằm sấp trên tay bé sẽ cố gắng ngóc đầu lên. Giữ bé ở tư thế này nhiều lần sẽ giúp bé tăng sức cơ cổ, ngực và cột sống.

Học các kỹ năng

Bé không ngừng học hỏi và phương pháp học chính là thông qua mối quan hệ với bạn. Bé nhận thức được mọi kiểu giao tiếp của bạn nhanh nhạy một cách đáng kinh ngạc: chú ý cách bé biểu lộ và tập trung khi nghe tiếng bạn, hoặc cách bé thích thú nhìn môi bạn cử động khi bạn nói chuyện với bé. Hãy chú ý quan sát bé và bạn sẽ thấy cơ thể bé cử động một cách thích thú khi biết bạn ở gần. Bé đang có được niềm vui lớn từ mối quan hệ này và não bé cũng đang được kích thích.

Các giác quan

Các giác quan của bé phối hợp chặt chẽ với nhau để tiếp nhận tất cả những thông tin cần thiết cho sự tồn tại và phát triển. Ví dụ, bé có thể nhận ra mùi đặc trưng của cơ thể mẹ chỉ vài giờ sau khi sinh và bé sẽ nhanh chóng biết liên hệ mùi này với âm thanh giọng nói của mẹ và cảm giác dễ chịu khi được ôm ấp trong vòng tay mẹ.

Khả năng nhìn rõ

Lúc mới sinh, bé chỉ có thể nhìn thấy được hình dạng của đồ vật bởi tầm nhìn của bé vẫn còn bị hạn chế. Tuy nhiên, trong tháng đầu tiên này bé dần dần đạt được khả năng tập trung tốt hơn – mặc dù khả năng nhìn rõ hoàn toàn bằng hai mắt chỉ đạt được khi bé được ba tháng tuổi.

Vào thời điểm này bé có thể tập trung tốt nhất trong khoảng 20 – 35 cm – bằng khoảng cách bé có thể nhìn rõ mặt bạn khi bạn đang bế và cho bé bú. Ở khoảng cách này bé có thể theo dõi các cử động trên gương mặt bạn.

Cố gắng quan sát gương mặt bạn và các thành viên trong gia đình là điều quan trọng đối với bé, nhưng cũng sẽ hữu ích nếu bạn treo một đồ chơi di động trên nôi (hơi nghiêng về một bên), để hình ảnh của nó nằm ở khoảng cách xấp xỉ mặt bé nhưng không ngay phía trên bé.
Giữ thẳng đầu
Trước khi bé có thể tự điều khiển cơ thể mình, bé cần biết cách giữ thẳng đầu mà không cần nâng đỡ.
Lúc mới sinh, đầu của bé không vững vì nó quá nặng so với cơ thể nhưng sau vài tuần cơ cổ và những cơ ở phần trên cột sống dần phát triển và cho bé phép bé tự giữ vững được đầu.
Trước khi bé có thể giữ thẳng được đầu – điều này chỉ đạt được khi bé 4 tháng tuổi – bạn phải nhở luôn nâng đầu cho bé khi bế bé trên tay.

Ngôn ngữ

Ngay cả trong giai đoạn này, trẻ cũng đang tập điều chỉnh vần và điệu của ngôn ngữ. Hãy trò chuyện với con bạn càng nhiều càng tốt và cố gắng cường điệu giọng nói khi trò chuyện với bé. Việc trò chuyện ở giai đoạn này rất tốt cho sự phát triển của bé. Bạn hãy bắt đầu dạy bé làm quen với các câu đàm thoại. Không lâu sau đó, bé sẽ bắt đầu trả lời bạn bằng cách phát ra những âm thanh líu ríu hoặc mấp máy môi.

Sự phát triển về cảm xúc và kỹ năng xã hội

Ngay từ lúc mới sinh bé đã có cảm xúc. Từ những giây phút đầu đời, bé rất nhạy cảm với trạng thái và cảm xúc của những người xung quanh – ví dụ bé sẽ cảm thấy khó chịu nếu bạn buồn hay lo lắng và dường như bình thản và hài lòng khi bạn thư giản. Tính nhạy cảm này là một đặc điểm quan trọng của trẻ sơ sinh.

Trong giai đoạn phát triển về sau, nó sẽ giúp bé điều chỉnh hành vi và đáp ứng thích hợp với mọi người xung quanh. Nói cách khác, ý thức của bé về trạng thái và cảm xúc của người khác là một trong những điều cơ bản để bé phát triển thành con người “xã hội”.

Bạn có thể thấy rằng, vào giai đoạn đầu rất khó tìm hiểu chính xác những điều bé đang cảm nhận và những nhu cầu của bé. Nhưng khi mối quan hệ giữa bạn và bé ngày càng phát triển, bạn sẽ dễ dàng đọc được những suy nghĩ của bé, cả hai sẽ cảm nhận được thời gian ở bên nhau thật bổ ích.

Hoạt động để phát triển kỹ năng

Vào tuổi này thứ đồ chơi duy nhất cần thiết đối với bé chính là người mẹ! Mẹ là điều lôi cuốn nhất đối với bé và điều này vẫn còn đúng trong một thời gian nữa. Khuôn mặt bạn là thứ quyến rũ nhất trên tất cả mọi thứ. Hãy để bé chiêm ngưỡng khuôn mặt bạn khi bạn biểu lộ các biểu hiện khác nhau, nói và hát với bé. Khuyến khích chồng bạn và các thành viên khác trong nhà cùng giao tiếp với bé bằng cách biểu lộ nét mặt và âm thanh.

Bắt chước mèo!

Thè lưỡi về phía bé mỗi 20 giây mỗi khi bé nhìn vào mắt bạn và chẳng bao lâu bạn sẽ thấy cái lưỡi bé xíu của bé thè về phía bạn. Hãy kiên nhẫn – phải mất một tới hai phút sau bé mới đáp ứng.


Tập theo dõi

Âm thanh và sự chuyển động lôi cuốn sự chú ý và giúp kích thích não bé phát triển. Để tăng cường khả năng nhìn của bé hãy để bé nhìn theo mặt bạn. Quay đầu chậm từ bên này sang bên kia khi bé đang nhìn bạn và để ý xem bé có nhìn theo bạn hay không.

Ánh sáng và bóng tối

Bé sẽ chú ý đến các đồ vật có tính tương phản sáng tối như khuôn mặt bạn, cửa chớp, bức tranh trắng đen. Điều này là do tính tương phản dễ được nhận ran gay cả với thị lực kém.

  • Vẽ một số bức tranh trắng đen và hình gương mặt bạn và dán chúng lên thành nôi.
  • Đặt bé nằm gần cửa sổ ở đó có ánh sáng và các bóng râm do các tán lá phía bên ngoài tạo ra.
  • Đặt xe đẩy của bé dưới một cây có cành thấp để bé thưởng thức sự thay đổi của ánh sáng và bóng râm.

Xúc giác

Để hai chân bé chòi đạp nước trong chậu tắm trong khi bạn dùng tay mình giữ chặt bé. Điều này kích thích xúc giác của bé mà không làm bé cảm thấy sợ sệt.

Khóc

Hiện thời, các nhu cầu về thể chất là ưu tiên so với việc khác và bé sẽ thông báo cho bạn biết về các nhu cầu này. Bé sẽ khóc để biểu lộ sự đói khát, mệt mỏi hoặc khi không thoải mái và đôi khi bé cũng khóc do buồn chán và cần được khuyến khích hoặc cảm thấy bị bỏ bê và cần mẹ dỗ dành.


Đáp ứng lại tiếng khóc của bé luôn là điều cần thiết mà bạn nên làm. Sự chăm sóc và tình yêu thương vô hạn bạn dành cho bé sẽ dạy bé cách đáp ứng tích cực với bạn và cũng giúp bé phát triển thành một đứa trẻ kiên định và tự tin.

Niềm hạnh phúc

Bạn có thể sẽ biết khi nào bé đang cảm thấy hạnh phúc hoặc hài lòng bởi vì lúc đó bé sẽ nằm một cách bình yên, nhìn chăm chú vào mắt bạn hoặc sự vật xung quanh. Những khoảng khắc này thời gian đầu có thể ngắn, bởi vì đa số thời gian của bé lúc này là dùng cho việc ăn hoặc ngủ, nhưng sự xuất hiện của chúng sẽ mang lại niềm vui cho cả hai mẹ con.

Thời gian thanh bình, mãn nguyện rất quan trọng cho bé vì nhiều lý do. Chúng cho bé cơ hội để bộ não phát triển thay thế các nhu cầu thể chất trong giây lát. Bé có thể thử thách tính tò mò, thực hành việc tập trung vào sự việc và quan trọng hơn cả là cho bé có thể tập trung hoàn toàn. Và bên cạnh bạn sẽ làm bé cảm thấy an toàn và hạnh phúc. Khoảng khắc mà bé thức tỉnh nhưng yên lặng là khoảng thời gian đặc biệt mà bạn và bé có thể hiểu nhau rõ nhất.

Bạn cũng sẽ rất hạnh phúc khi thấy bé hài lòng vì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã đáp ứng được các nhu cầu của bé. Điều này làm tăng sự tự tin của bạn trong vai trò làm cha mẹ và tăng cường sự gắn bó giữa bạn và bé.

Hộp đồ chơi

Các vật chuyển động

Với trẻ sơ sinh, đồ chơi lý tưởng nhất là các vật chuyển động trên đó có vẽ hình khuôn mặt hoặc các hình hoa văn trắng đen rõ nét. Các hình đơn giản nhiều màu sắc cũng thu hút sự chú ý của bé và các vật di động đồng thời phát ra nhạc cũng hấp dẫn và giúp bé phát triển kỹ năng “nhìn theo”.

Treo các vật chuyển động ở một bên của nôi thì tốt hơn là treo nó ngay phía trên – trẻ sơ sinh hiếm khi nhìn thẳng về phía trước; bé chủ yếu nhìn một bên trong những tuần lễ đầu tiên. Đừng lo lắng nếu bé có vẻ không thích thú trong giai đoạn đầu, nhiều bé chỉ chú ý tới nó sau một khoảng thời gian.

Gương

Đặt một cái gương an toàn cho bé trong nôi (gương nhựa) để bé có thể nhìn thấy khuôn mặt của bạn. Điều này giúp bé có khả năng tập trung và tăng cường tính đáp ứng với khuôn mặt con người.

Đĩa nhạc

Dù đó là nhạc hòa tấu hay các bản dân ca, bé cũng sẽ thu nhận được các giai điệu hoặc âm thanh du dương.

Kiểm tra trí nhớ bé bằng cách mở cùng một bản nhạc trong nhiều ngày. Sau đó ngưng 1 hoặc 2 ngày, rồi mở lại xem bé có nhận ra bài đó không. Bạn sẽ biết được nếu bé nhớ vì bé sẽ đá chân hoặc đột ngột trở nên thích thú hơn.

Tạp chí mẹ yêu bé tổng hợp tin tức về sức khỏe và làm đẹp cho mẹ và bé. Gửi tâm sự và chia sẻ của bạn đến vinguyen2302@gmail.com. Chúng tôi sẽ tư vấn và trả lời mọi thắc mắc của bạn và đăng tải lên website trong thời gian sớm nhất.

0 comments:

Post a Comment

Click quảng cáo giùm em

BACK TO TOP